Trước khi đi vào tìm hiểu ngữ pháp tiếng Đức, bạn nên tìm hiểu về những hệ thống cấp bậc trình độ của nó.

A1, A2, B1, B2, C1, C2 là gì?

Đây không phải các ký hiệu người ta đặt ra cho vui, mà nó xuất phát từ một hệ thống gọi là GER – Gemeinsamen Europäischen Referenzrahmen für Sprachen, tiếng Việt gọi là Khung tham chiếu trình độ ngôn ngữ chung của Châu Âu. Hệ thống này được châu Âu áp dụng cho mọi nước thành viên của họ. Tức là khi có người nước ngoài bắt đầu học tiếng của một nước thành viên bất kỳ, thì sẽ dùng chuẩn này để đánh giá. Do đó không cứ gì tiếng Đức mới có các cấp độ A1, A2, B1, B2, C1, C2 mà tiếng Pháp, tiếng Bồ, tiếng Ý… đều có hết.

Từng cấp độ A1, A2, B1, B2, C1, C2 yêu cầu những kỹ năng gì?

Trước hết bạn hãy xem bảng tiêu chuẩn chính thức này. Vì thông tin cụ thể đã có sẵn ở dưới đây nên mình sẽ không dịch lại mà chỉ nói tóm gọn lại vài ý chính.

Trình độ A-Elementare Sprachverwendung: Sử dụng ngôn ngữ ở mức cơ bản

Trình độ A1
Ngắn gọn là biết dùng các câu trần thuật đơn giản. Biết tự giới thiệu bản thân cũng như hỏi người khác vài thông tin cơ bản như tên tuổi, địa chỉ, nghề nghiệp.
Trình độ A2
Nâng cao hơn một chút, có thể giao tiếp ra các chủ đề rộng hơn như mua sắm, hỏi đường, gia đình.

Trình độ B-Selbstständige Sprachverwendung: Sử dụng ngôn ngữ ở mức độc lập. Độc lập ở đây nghĩa là tự thân có thể diễn đạt ý nghĩ trong đầu ra mà không cần trợ giúp

Trình độ B1
Có thể xử lý được hầu hết các tình huống trong giao tiếp thông thường. Biết sử dụng các câu liên kết đơn giản, có thể miêu tả các sự vật, sự kiện, biểu đồ, kế hoạch và đưa ra được sự giải thích ngắn gọn cũng như các nguyên nhân cơ bản cho những việc đó.
Trình độ B2
Trước giờ chúng ta mới chỉ tập trung vào giao tiếp. Bây giờ thì trình độ này còn yêu cầu bạn có thể đọc hiểu được ý chính trong các văn bản phức tạp. Về giao tiếp thì có thể giao tiếp khá trôi chảy với người bản địa và không gây hiểu lầm giữa 2 bên. Có thể bày tỏ quan điểm cá nhân về một vấn đề cụ thể cũng như phân tích ưu nhược điểm của chúng.

Trình độ C-Kompetente Sprachverwendung: Sử dụng ngôn ngữ ở mức thành thạo.

Trình độ C1
Có khả năng hiểu các văn bản dài và phức tạp, cũng như nắm bắt được các hàm ý bên trong. Diễn đạt tự nhiên và trôi chảy, dùng các câu có cấu trúc chặt chẽ, biết sử dụng linh hoạt các thành phần của câu.
Trình độ C2
Có khả năng hiểu một cách dễ dàng những thông tin đọc và nghe được. Bạn cần phải đạt đến trình độ này mới có thể theo được Uni, chứ nếu chỉ đỗ DSH mức tầm tầm vừa đủ DSH-2 thì lên giảng đường nghe giảng cũng cực kỳ vất vả. Biết tóm tắt, tổng hợp thông tin từ nhiều nguồn, nhào trộn lại chúng và diễn đạt lại một cách tự nhiên, trôi chảy và chính xác.

Bạn thấy sao?

Mình thì thấy cái khung tham chiếu chung này cũng rất là “chung” 🙂 Nhiều khi không có sự phân biệt rõ ràng giữa các trình độ. Và bạn cũng nên biết rằng, các trường tiếng họ cũng có những tiêu chuẩn riêng tự thiết lập để đánh giá trình độ của bạn một cách chính xác hơn. Cho nên mình sẽ nói về phần thiết thực hơn: Đối với từng cấp độ A1, A2, B1, B2, C1 bạn phải cần phải nắm được những loại ngữ pháp tiếng Đức nào?

Một vấn đề mà rất nhiều bạn đi học các khóa học tiếng Đức gặp phải đó là không tự vạch ra được một lộ trình cụ thể. Bạn phải tự tìm hiểu, phải đặt câu hỏi trong đầu: Giả sử mình muốn thi B1 hay B2 thì mình sẽ phải học những loại ngữ pháp cụ thể nào, từ vựng ở những chủ để nào để có thể vượt qua kỳ thi đó. Nhiều bạn chỉ đều đều đến lớp, hôm nay giáo viên dạy đến bài nào thì giở sách ra học bài đó. Bạn phải tự biết tìm tòi, tự ôn lại, tự xâu chuỗi những gì bạn đã học lại với nhau.

Một vấn đề nữa đó là nhiều bạn học ngữ pháp nhưng không áp dụng được nó. Ví dụ bạn chia thời Perfekt rất chuẩn xác, rất „perfekt“ nhưng khi vào bài viết, lúc cần mô tả 1 sự việc đã xảy ra vẫn hồn nhiên dùng thì hiện tại Präsens. Bạn ghi nhớ cách chia Konjunktiv cực chuẩn nhưng khi cần nhờ vả ai đó một cách lịch sự thì lại ko sử dụng Konjunktiv, vân vân. Do đó bạn cần phải học thực dụng một chút, phải học sao cho dùng được, đừng ôm đồm nhiều cấu trúc phức tạp để rồi chẳng bao giờ sử dụng đến. Một nghề cho chín còn hơn chín nghề.

Trong các post về ngữ pháp, mình sẽ cố gắng không trình bày dài dòng, lê thê về lý thuyết mà sẽ chỉ đề cập đến những gì ngắn gọn nhất, thiết thực nhất kèm theo các ví dụ cụ thể để bạn có thể áp dụng được một cách đơn giản nhất và cũng để tiết kiệm thời gian đọc bài cho bạn nữa. Chẳng ai thích mất thời gian vì đọc quá lâu cả.

Sau đây là các cấp độ ngữ pháp với các cấu trúc Grammatik điển hình:

Ngữ Pháp A1

Ngữ Pháp A2

Ngữ Pháp B1

Ngữ Pháp B2

Ngữ Pháp C1

Tài liệu do mình biên soạn

Kinh nghiệm về các kỳ thi tiếng Đức

Các môn học trong Uni

Sách do mình xuất bản

Sách Ngữ pháp tiếng Đức theo cách dễ hiểu Version 2.0 dày 531 trang in màu 100%. Nội dung của sách bao gồm toàn bộ ngữ pháp tiếng Đức từ A1 đến C1 được sắp xếp theo 45 chương từ dễ đến khó.

Sách 3000 từ vựng tiếng Đức thông dụng dày 400 trang in màu 100% cung cấp 3000 từ vựng quan trọng và phổ biến trong cuộc sống hàng ngày cũng như thường xuyên xuất hiện trong các giáo trình dạy và học tiếng Đức.

Sách Bài tập Ngữ pháp tiếng Đức theo cách dễ hiểu dày 312 trang in màu 100%. Cuốn sách giúp bạn luyện tập thành thạo các dạng bài tập ngữ pháp tiếng Đức từ trình độ A1 đến C1.

Sách Ôn thi tiếng Đức theo cách hiệu quả – A1 dày 400 trang in trên giấy couché. Sách giúp người học vượt qua kỳ thi A1 bằng những hướng dẫn về cách giải đề thi một cách tỉ mỉ cũng như giúp rèn luyện tư duy làm bài thi một cách hiệu quả nhất.

Ebook Ôn thi tiếng Đức B1 – Kỹ năng Viết dày 172 trang, cung cấp những lưu ý và gợi ý quan trọng khi làm bài thi Viết Goethe B1. Đi kèm là 20 đề mẫu kèm lời giải cụ thể.