Để viết được một câu tiếng Đức tốt, bên cạnh việc phải nắm vững các kiến thức ngữ pháp căn bản về cách, thì và có một vốn từ vựng rộng, chúng ta còn cần hiểu về cách sắp xếp trật tự các từ trong một câu.
Bài viết này sẽ cùng các bạn tìm hiểu kỹ hơn về vấn đề trật tự từ trong câu tiếng Đức (Wortstellung im Satz) cũng như quy tắc phổ biến TeKaMoLo.
Đọc thêm:
Ebook Ôn thi Goethe B1 trọn bộ 4 kỹ năng, cung cấp những lưu ý và gợi ý quan trọng khi làm bài thi Goethe B1. Đi kèm là các đề mẫu kèm lời giải cụ thể.
Sách Ngữ pháp tiếng Đức theo cách dễ hiểu Version 2.0 dày 531 trang in màu 100%. Nội dung của sách bao gồm toàn bộ ngữ pháp tiếng Đức từ A1 đến C1 được sắp xếp theo 45 chương từ dễ đến khó.
Sách 3000 từ vựng tiếng Đức thông dụng dày 400 trang in màu 100% cung cấp 3000 từ vựng quan trọng và phổ biến trong cuộc sống hàng ngày cũng như thường xuyên xuất hiện trong các giáo trình dạy và học tiếng Đức.
Sách Bài tập Ngữ pháp tiếng Đức theo cách dễ hiểu dày 312 trang in màu 100%. Cuốn sách giúp bạn luyện tập thành thạo các dạng bài tập ngữ pháp tiếng Đức từ trình độ A1 đến C1.
Sách Ôn thi tiếng Đức theo cách hiệu quả – A1 dày 400 trang in trên giấy couché. Sách giúp người học vượt qua kỳ thi A1 bằng những hướng dẫn về cách giải đề thi một cách tỉ mỉ cũng như giúp rèn luyện tư duy làm bài thi một cách hiệu quả nhất.
MỤC LỤC
- Tổng quan về 4 quy tắc
- Quy tắc 1: Tân ngữ gián tiếp (Dativ) đứng trước tân ngữ trực tiếp (Akkusativ)
- Quy tắc 2: Nếu tân ngữ trực tiếp nằm ở dạng đại từ nhân xưng (Personalpronomen) thì tân ngữ trực tiếp lại đứng trước tân ngữ gián tiếp
- Quy tắc 3: Cụm các trạng từ sẽ tuân theo quy tắc TeKaMoLo
- Quy tắc 4: Bộ phận quan trọng nhất thường được đưa lên đầu câu (đối với câu đảo) hoặc xuất hiện cuối câu (đối với câu bình thường)
- Một số ví dụ khác để bạn tự dịch và nghiên cứu
Tổng quan về 4 quy tắc
Các quy tắc sẽ được tính ưu tiên từ trên xuống. Tức là câu cần xét phải thỏa mãn quy tắc 1 rồi mới xét tiếp xem câu có thỏa mãn quy tắc 2,3,4 hay không.
- Tân ngữ gián tiếp (Dativ) đứng trước tân ngữ trực tiếp (Akkusativ).
- Nhưng nếu tân ngữ trực tiếp nằm ở dạng đại từ nhân xưng (Personalpronomen) thì tân ngữ trực tiếp lại đứng trước tân ngữ gián tiếp.
- Cụm các trạng từ sẽ tuân theo quy tắc TeKaMoLo.
- Bộ phận quan trọng nhất thường được đưa lên đầu câu (đối với câu đảo) hoặc xuất hiện cuối câu (đối với câu bình thường).
Cần lưu ý một điều ở đây là những quy tắc ở trên không phải là hoàn hảo. Sẽ có những ngoại lệ vì tiếng Đức vốn là một thứ ngôn ngữ không có quy tắc, nhưng những ngoại lệ đó sẽ không nhiều nên bạn vẫn có thể yên tâm áp dụng 4 quy tắc ở trên cho việc đặt câu.
Sau đây mình sẽ đi vào giải thích chi tiết từng quy tắc.
Quy tắc 1: Tân ngữ gián tiếp (Dativ) đứng trước tân ngữ trực tiếp (Akkusativ)
Trước hết bạn hãy đọc qua một ví dụ đơn giản:
- Ich gebe meinem Freund das Buch.
Ở đây động từ geben đòi hỏi 2 tân ngữ. Tân ngữ gián tiếp ở cách 3 Dativ: meinem Freund và tân ngữ trực tiếp ở cách 4 Akkusativ: das Buch. Bạn có thể dễ dàng nhận thấy, vị trí của meinem Freund được đặt trước vị trí của das Buch.
Tìm hiểu sâu hơn một chút, ta có thể thay thế meinem Freund (tân ngữ gián tiếp) bằng ihm (đại từ nhân xưng). Kết quả vẫn sẽ là ihm (Dativ) đứng trước das Buch (Akkusativ):
- Ich gebe ihm das Buch.
Một số ví dụ khác:
- Wir schenken ihnen einen Tisch. (Dativ: ihnen đứng trước Akkusativ: einen Tisch)
- Er schickt seiner Mutter ein schönes Foto (Dativ: seiner Mutter đứng trước Akkusativ: ein schönes Foto)
Quy tắc 2: Nếu tân ngữ trực tiếp nằm ở dạng đại từ nhân xưng (Personalpronomen) thì tân ngữ trực tiếp lại đứng trước tân ngữ gián tiếp
Bây giờ chúng ta sẽ lấy chính câu ví dụ ở trên:
- Ich gebe meinem Freund das Buch.
Nhưng bạn sẽ thay thế das Buch (tân ngữ trực tiếp) bằng es (đại từ nhân xưng). Giờ thì bạn phải áp dụng quy tắc số 2: Akkusativ đứng trước Dativ.
- Ich gebe es meinem Freund.
Es ở đây là tân ngữ trực tiếp nhưng nó đang nằm ở dạng đại từ nhân xưng (Personalpronomen) nên nó sẽ được đứng trước tân ngữ gián tiếp meinem Freund.
Ngay cả khi bạn thay thế luôn meinem Freund (tân ngữ gián tiếp) bằng ihm (đại từ nhân xưng). Kết quả vẫn sẽ tuân theo quy tắc số 2.
- Ich gebe es ihm.
Es ở đây là tân ngữ trực tiếp nhưng nó đang nằm ở dạng đại từ nhân xưng (Personalpronomen) nên nó sẽ được đứng trước tân ngữ gián tiếp ihm (cũng ở dạng đại từ nhân xưng).
Một số ví dụ khác:
- Wir schenken ihnen einen Tisch -> Wir schenken ihn ihnen (Sử dụng ihn như đại từ nhân xưng ở Akkusativ thay thế cho einen Tisch, và ihn sẽ được đứng trước ihnen – Dativ)
- Er schickt seiner Mutter ein schönes Foto -> Er schickt es seiner Mutter (Sử dụng es như đại từ nhân xưng ở Akkusativ thay thế cho ein schönes Foto, và es sẽ được đứng trước seiner Mutter – Dativ)
Quy tắc 3: Cụm các trạng từ sẽ tuân theo quy tắc TeKaMoLo
Trong một câu tiếng Đức thông thường sẽ không chỉ đơn giản xuất hiện 2 loại tân ngữ như các ví dụ trên, mà sẽ còn rất nhiều thành phần khác nhằm bổ sung thêm thông tin, ý nghĩa cho câu. Những thành phần này được gọi là trạng từ. Có 4 loại trạng từ cơ bản:
- Trạng từ chỉ thời gian (Temporal): Trả lời cho câu hỏi Wann?
- Trạng từ chỉ nguyên nhân (Kausal): Trả lời cho câu hỏi Warum?
- Trạng từ chỉ cách thức (Modal): Trả lời cho câu hỏi Wie?
- Trạng từ chỉ địa điểm (Lokal): Trả lời cho câu hỏi Wo? / Woher? / Wohin?
Quy tắc TeKaMoLo chính là thứ tự tên viết tắt của 4 loại trạng từ kể trên và cũng là thứ tự xuất hiện của chúng trong câu. Trạng từ chỉ thời gian (Temporal) sẽ xuất hiện đầu tiên, sau đó đến Trạng từ chỉ nguyên nhân (Kausal), rồi đến Trạng từ chỉ cách thức (Modal), cuối cùng là Trạng từ chỉ địa điểm (Lokal).
Chúng ta hãy xem xét ngay một ví dụ:
- Das Flugzeug landete heute wegen eines Streiks nicht pünktlich in Berlin. (Dịch xuôi: Vì một cuộc đình công nên hôm nay máy bay đã hạ cánh trễ ở Berlin)
Bạn có thể nhận thấy 4 thành phần trạng từ trong câu được sắp xếp đúng theo quy tắc TeKaMoLo
- Temporal: heute (thời gian – hôm nay)
- Kausal: wegen eines Streiks (nguyên nhân – vì một cuộc đình công)
- Modal: nicht pünktlich (cách thức – không đúng giờ)
- Lokal: in Berlin (địa điểm – ở Berlin)
Chúng ta có một ví dụ khác:
- Er fährt morgen wegen eines Termins mit dem Auto nach München. (Dịch xuôi: Ngày mai anh ấy sẽ tới München bằng xe ô tô bởi có một cuộc hẹn)
Chúng ta dễ dàng nhận thấy 4 thành phần trạng từ trong câu cũng được sắp xếp đúng theo quy tắc TeKaMoLo
- Temporal: morgen (thời gian – ngày mai)
- Kausal: wegen eines Termins (nguyên nhân – vì một cuộc hẹn)
- Modal: mit dem Auto (cách thức – bằng xe ô tô)
- Lokal: nach München (địa điểm – tới München)
Không phải lúc nào trong câu cũng cần đủ 4 thành phần trạng từ, tuy nhiên trật tự các trạng từ còn lại vẫn phải được duy trì đúng quy tắc TeKaMoLo:
- Er wird in diesem Jahr allein nach Amsterdam fliegen. (Dịch xuôi: Trong năm nay anh ấy sẽ một mình bay tới Amsterdam)
Thành phần câu:
- Temporal: in diesem Jahr (thời gian – trong năm nay)
Kausal: Không có- Modal: allein (cách thức – một mình)
- Lokal: nach Amsterdam (địa điểm – tới Amsterdam)
Một ví dụ khác:
- Sie reist mehrmals im Jahr aus Heimweh in ihre Heimat zurück. (Dịch xuôi: Vì nhớ nhà nên cô ấy nhiều lần trong năm quay trở lại thăm quê)
Thành phần câu:
- Temporal: mehrmals im Jahr (thời gian – nhiều lần trong năm)
- Kausal: aus Heimweh (nguyên nhân – vì nỗi nhớ nhà)
Modal: Không có- Lokal: in ihre Heimat (địa điểm – đến quê hương)
Quy tắc 4: Bộ phận quan trọng nhất thường được đưa lên đầu câu (đối với câu đảo) hoặc xuất hiện cuối câu (đối với câu bình thường)
4a. Bộ phận quan trọng nhất thường được đưa lên đầu câu (đối với câu đảo)
Quy tắc TeKaMoLo cũng rất linh hoạt, nếu bạn muốn nhấn mạnh vào trạng từ nào, bạn hoàn toàn có thể đưa trạng từ đó lên đầu câu (câu đảo), nhưng trật tự của các trạng từ còn lại vẫn phải đảm bảo đúng quy tắc TeKaMoLo.
Chúng ta vẫn lấy nguyên câu ví dụ ở phần 3 nhưng đảo đi một chút:
- Heute landete das Flugzeug wegen eines Streiks nicht pünktlich in Berlin.
Trạng từ chỉ thời gian heute được đưa lên đầu câu nhằm mục đích nhấn mạnh vào “Chính ngày hôm nay” chứ không phải bất kỳ ngày nào khác. Vị trí của các trạng từ còn lại vẫn được giữ nguyên.
Một cách biến đổi khác:
- Wegen eines Streiks landete das Flugzeug heute nicht pünktlich in Berlin.
Trạng từ chỉ nguyên nhân Wegen eines Streiks được đưa lên đầu câu nhằm mục đích nhấn mạnh vào “Chính nguyên nhân là cuộc đình công” chứ không phải do bất kỳ nguyên nhân nào khác. Vị trí của các trạng từ còn lại vẫn được giữ nguyên.
4b. Bộ phận quan trọng nhất thường xuất hiện cuối câu (đối với câu bình thường – không phải câu đảo)
Các ví dụ ở trên bạn có thể thấy câu chỉ gồm chủ ngữ + động từ + cụm các trạng từ. Bây giờ chúng ta sẽ xem xét khi trong câu xuất hiện thêm các tân ngữ.
Trước hết là câu có xuất hiện tân ngữ trực tiếp (Akkusativ), vậy vị trí của tân ngữ trực tiếp này sẽ đặt ở đâu trong tương quan vị trí so với cụm trạng từ TeKaMoLo?
Đáp án là bạn có thể đặt ở bất kỳ đâu!
Ví dụ chúng ta có tân ngữ trực tiếp “einen Deutschkurs” và chúng ta muốn đặt “einen Deutschkurs” trước toàn bộ cả cụm TeKaMoLo:
- 1) Ich habe einen Deutschkurs letztes Jahr in der Sprachschule besucht.
Hay đặt “einen Deutschkurs” sau toàn bộ cả cụm TeKaMoLo:
- 2) Ich habe letztes Jahr in der Sprachschule einen Deutschkurs besucht.
Thậm chí có thể đặt “einen Deutschkurs” vào giữa cụm TeKaMoLo:
- 3) Ich habe letztes Jahr einen Deutschkurs in der Sprachschule besucht.
Tất cả 3 câu này đều đúng ngữ pháp, sự khác biệt ở đây chỉ là việc nhấn mạnh vào bộ phận nào. Bộ phận quan trọng nhất thường sẽ xuất hiện cuối câu.
- Ở câu 1, phần thông tin cần chú ý sẽ là “in der Sprachschule”
- Ở câu 2, phần thông tin cần chú ý sẽ là “einen Deutschkurs”
- Ở câu 3, phần thông tin cần chú ý sẽ là “einen Deutschkurs in der Sprachschule” hoặc “in der Sprachschule”
Tuy nhiên ví dụ này vẫn chưa nêu bật được quy tắc 4b, chúng ta hãy xem xét một ví dụ rõ ràng hơn sau đây:
- 1) Ich habe ihr diese Schriftzeichen geduldig erklärt. (Tôi đã giải thích cho cô ấy những ký tự này rất kiên nhẫn)
Tân ngữ gián tiếp ihr đứng trước tân ngữ trực tiếp diese Schriftzeichen. Cả 2 tân ngữ này lại đứng trước cụm TeKaMoLo (ở đây chỉ có trạng từ chỉ cách thức Modal: geduldig). Tất cả đều đúng ngữ pháp. Trong câu này, thông tin cần nhấn mạnh sẽ là geduldig – được đặt ở cuối câu. Vấn đề tôi muốn nhấn mạnh ở đây không phải là tôi đã giải thích cho cô ấy về cái gì, mà là tôi đã giải thích một cách rất kiên nhẫn chứ không qua loa.
- 2) Ich habe ihr geduldig diese Schriftzeichen erklärt. (Tôi đã giải thích cho cô ấy rất kiên nhẫn những ký tự này)
Tân ngữ gián tiếp ihr vẫn đứng trước tân ngữ trực tiếp diese Schriftzeichen. Tuy nhiên chen vào giữa lại có cụm TeKaMoLo. Không sao cả, miễn là ihr vẫn đứng trước diese Schriftzeichen. Do đó, câu này cũng đúng ngữ pháp. Tuy nhiên trong câu này, thông tin cần nhấn mạnh sẽ là diese Schriftzeichen – được đặt ở cuối câu. Vấn đề tôi muốn nhấn mạnh ở đây không phải cách tôi đã giải thích cho cô ấy thế nào mà là việc tôi đã giải thích cho cô ấy về những ký tự này, chứ không phải về một bài toán hay một trò chơi nào khác.
Đối với những động từ đi kèm giới từ, thì phần nội dung liên quan đến giới từ sẽ đặt ở cuối câu vì đây là những thông tin quan trọng, không có chúng thì động từ sẽ vô nghĩa.
- Ich möchte mich vor diesem Winter mit einem Sprachkurs auf meinen Auslandsaufenthalt vorbereiten. (Dịch xuôi: Tôi muốn chuẩn bị cho cuộc sống ở nước ngoài của mình bằng một khóa học tiếng trước mùa đông này)
Thành phần câu: vor diesem Winter (thời gian – Temporal) đứng trước mit einem Sprachkurs (cách thức – Modal). Tân ngữ đi với giới từ auf meinen Auslandsaufenthalt được đặt cuối cùng vì đây là thông tin quan trọng nhất của động từ kèm giới từ vorbereiten + auf.
Một số ví dụ khác để bạn tự dịch và nghiên cứu
Quy tắc TeKaMoLo kết hợp với tân ngữ gián tiếp (Dativ) và tân ngữ trực tiếp (Akkusativ)
- Er hat vor 3 Tagen aus Ärger plötzlich seinen Job gekündigt.
Temporal: vor 3 Tagen
Kausal: aus Ärger
Modal: plötzlich
Tân ngữ trực tiếp (Akkusativ): seinen Job
- Er hat seinen Job vor 3 Tagen aus Ärger plötzlich gekündigt.
Tân ngữ trực tiếp (Akkusativ): seinen Job
Temporal: vor 3 Tagen
Kausal: aus Ärger
Modal: plötzlich
- Er hat mir am ersten Tag eine Email aus seiner neuen Heimat geschrieben.
Tân ngữ gián tiếp (Dativ): mir
Temporal: am ersten Tag
Tân ngữ trực tiếp (Akkusativ): eine Email
Lokal: aus seiner neuen Heimat
- Sie hat sich am Anfang nur langsam in Deutschland eingelebt.
Reflexivpronomen: sich (đại từ phản thân sẽ được ưu tiên xuất hiện đầu tiên)
Temporal: am Anfang
Modal: nur langsam
Lokal: in Deutschland
- Ich habe an meinem ersten Urlaubstag mit dem Bus eine Stadtrundfahrt gemacht.
Temporal: an meinem ersten Urlaubstag
Modal: mit dem Bus
Tân ngữ trực tiếp (Akkusativ): eine Stadtrundfahrt
- Wir haben unserem Chef eine Karte aus Deutschland geschickt.
Tân ngữ gián tiếp (Dativ): unserem Chef
Tân ngữ trực tiếp (Akkusativ): eine Karte
Lokal: aus Deutschland
Ebook Ôn thi Goethe B1 trọn bộ 4 kỹ năng, cung cấp những lưu ý và gợi ý quan trọng khi làm bài thi Goethe B1. Đi kèm là các đề mẫu kèm lời giải cụ thể.
Sách Ngữ pháp tiếng Đức theo cách dễ hiểu Version 2.0 dày 531 trang in màu 100%. Nội dung của sách bao gồm toàn bộ ngữ pháp tiếng Đức từ A1 đến C1 được sắp xếp theo 45 chương từ dễ đến khó.
Sách 3000 từ vựng tiếng Đức thông dụng dày 400 trang in màu 100% cung cấp 3000 từ vựng quan trọng và phổ biến trong cuộc sống hàng ngày cũng như thường xuyên xuất hiện trong các giáo trình dạy và học tiếng Đức.
Sách Bài tập Ngữ pháp tiếng Đức theo cách dễ hiểu dày 312 trang in màu 100%. Cuốn sách giúp bạn luyện tập thành thạo các dạng bài tập ngữ pháp tiếng Đức từ trình độ A1 đến C1.
Sách Ôn thi tiếng Đức theo cách hiệu quả – A1 dày 400 trang in trên giấy couché. Sách giúp người học vượt qua kỳ thi A1 bằng những hướng dẫn về cách giải đề thi một cách tỉ mỉ cũng như giúp rèn luyện tư duy làm bài thi một cách hiệu quả nhất.
Cô giáo mình chưa dạy cái này, nên mình rất hay lấn cấn về thứ tự các thành phần trong câu. Viết xong chẳng biết đúng hay sai. Nhiều khi đúng rồi nhưng vì k giống cô chữa nên tưởng là sai. Giờ thì ok rồi. Danke sehr!!!
Sehr gerne bạn 😀
E rất thích các bài học của anh.Nó rất chi tiết và khoa học.Vielen Dank.
Cảm ơn em nhé ^__^
Cảm ơn bạn rất nhiều, cảm ơn bạn đã dành nhiều thời gian và tâm huyết của mình để chia sẽ những bài viết hay và bổ ích cho tớ và mọi người. vielen Dank 🙂
Rất vui vì những kiến thức này giúp ích được cho bạn và mọi người ^^ Cảm ơn bạn đã ghé thăm blog 😀
Mình học tiếng đức cũng được một thời gian khá khá, cũng đã học qua những quy tắc sắp xếp câu, nhưng khi đọc qua bài viết của bạn mình đã hiểu chi tiết hơn, nắm vững hơn về cách sắp xếp. Cảm ơn bạn rất nhiều, hi vong có thêm nhiều bài viết chi tiết ntn để mọi người có thê học hỏi.
Cảm ơn bạn nhiều 😀 Hy vọng bạn sẽ tiếp tục đồng hành cùng blog mình nhé 🙂
OMG bạn viết hay quá, rất bổ ích, cảm ơn bạn nha
Cảm ơn bạn nhiều ^^
e hơi lấn cấn chỗ này e chưa hiểu. a nói xét phải thỏa mãn từ quy tắc 1 đến 4. vậy vd ở chỗ 4a. sao mit dem Auto (Dativ) lại đứng sau eines Termins (Akk) . v nó k thỏa q.tắc 1 r. hay e hiểu sai chỗ nào ạ??
Hallo em, “eines Termins” là Genitiv chứ ko phải Akkusativ em nhé. Nhưng kể cả nếu đó là Akkusativ cũng ko có vấn đề gì bởi quy tắc 1 là hướng đến các tân ngữ (tức là các đối tượng bị tác động trực tiếp hoặc gián tiếp). Trong khi “mit dem Auto” và “wegen eines Termins” là nhóm trạng từ chứ không phải là các tân ngữ.
Các bài học hay, giải thích rõ ràng. Cảm ơn bạn nhé.
Cảm ơn bạn ^__^
trong bài viết trên anh có nói là “tân ngữ trực tiếp AKKu có thể đứng bất cứ đau so với TeKaLoMo” vậy còn vị trí của tân ngữ gián tiếp DaTiv với TeKaLoMo thì sao ạ ?
Tân ngữ gián tiếp thì luôn ưu tiên xuất hiện sớm nhất có thể em nhé (luôn trước Tekamolo).
BÀI VIẾT THẬT LÀ BỔ ÍCH. CẢM ƠN BẠN
Xin chào bạn Dat Tran
Nếu trong một câu bình thường, khi một trạng từ đã được đưa lên đầu, vị trí thứ 2 là động từ, thì vị trí thứ 3 có bắt buộc phải là chủ ngữ không bạn ? hay chủ ngữ nằm ở vị trí khác cũng được ạ ?
Xin cảm ơn bạn.
Chủ ngữ ko nhất thiết phải nằm ở vị trí số 3 nhé bạn.
Theo như bạn chia sẻ : Muốn nhấn mạnh ý nào thì sẽ đảo ngữ hoặc để cuối câu
Vậy nếu trong một câu, có đảo ngữ, thì từ cuối đc ngầm hiểu là ko được nhấn mạnh ?
Cảm ơn nhé !
Chính xác bạn ạ.
gestern hörte ich im Radio Ihre Sendung mit dem hochinteressenten Thema ” Freundschaft …… “.
Câu trên có vẻ nó lộn vị trí giữa Mo và Lo.
Giúp mình hiểu với !!!
Cám ơn nhé !
Quy tắc Tekamolo ko phải là một quy tắc hoàn toàn bắt buộc 100%. Nếu phần Trạng từ chỉ cách thức (Modal) quá dài như câu trên mit dem hochinteressenten Thema “Freundschaft …” thì chúng ta có thể đảo phần Trạng từ chỉ địa điểm (Lokal) im Radio rất ngắn gọn lên trước bạn ạ.
Cảm ơn bạn nhé
Em rất cảm ơn anh đã có bài viết chi tiết như này! Em trước giờ khi viết 1 câu tiếng Đức rất phân vân cách 3 dùng khi nào, cách 4 dùng khi nào, TeKaMoLo đặt như nào thì đúng với văn phong người Đức. Cảm ơn anh đã giúp em hiểu hơn về trật tự câu trong tiếng Đức!
#VielenDank
Gerne em ^__^ Das freut mich 😀
anh ơi cho em hỏi
Wir schenken ihnen einen Tisch -> Wir schenken ihn ihnen (Sử dụng ihn như đại từ nhân xưng ở Akkusativ thay thế cho einen Tisch, và ihn sẽ được đứng trước ihnen – Dativ)
tai sao ko su dung es như đại từ nhân xưng ở Akkusativ thay thế cho einen Tisch,ma lai su dung ihn vay
Vì “Tisch” là giống đực nên em phải dùng “ihn” nhé. Nếu danh từ giống trung, ví dụ như “Buch” thì lúc đó em mới dùng “es” để thay thế cho nó.
em cám ơn anh ah : như vay giống đực la ihn giống trung la es còn giống cái có phải la sie ko ah
Đúng rồi em.
Anh oi, em van thac mac ve vi tri cua cac tinh tu trong cau duoc sap xep nhu the nao a. Neu trong cau co nhieu tinh tu ve hinh dang, mau sac, kich thuoc thi sap xep chung sao la dung a. Em mong anh giai thich gium em voi a. Em cam on anh
Vị trí của các tính từ đứng cạnh nhau, em xếp thế nào cũng không quan trọng nhé.
Bài viết của bạn rất hữu ích cho mình và mọi người…rất khoa học và chuyên nghiệp. Cám ơn bạn đã dành nhiều thời gian và tâm huyết cho bài viết. Mình rất quý và trân trọng. Vielen Dank!
Cảm ơn bạn nhiều nhé ^^
Anh ơi muốn mua sách “Ngữ pháp tiếng Đức theo cách dễ hiểu” thì đăng ký ở đâu ạ? Em bấm vào link dưới bài nhưng không được.
Chào em 😀 Ủa, anh bấm vào vẫn vào được mà nhỉ: https://dattrandeutsch.com/sach-ngu-phap-tieng-duc/
Nếu vẫn không vào được thì em vào fanpage: https://www.facebook.com/dattrandeutsch rồi inbox cho anh các thông tin giao nhận (sđt, địa chỉ nhận sách) để anh lên đơn cho nhé ^^ Cảm ơn em.
Chào Đạt,
Nhờ bạn giải đáp giúp mình thắc mắc sau:
A.1. Sabine kommt ohne ihren Bruder in Frankfurt an.
A.2. Sabine kommt in Frankfurt ohne ihren Bruder an.
B.1. Ich sehe durch das Wasser die Steine.
B.2. Ich sehe die Steine durch das Wasser.
Các câu A.2. Và B.2. là bài làm của mình còn các câu A.1. Và B.1. là đáp án. Vậy bài làm của mình có sai so với đáp án không hay đảo vị trí các cụm từ như vậy vẫn đúng?
Và ngữ pháp trong các câu trên có tuân theo quy tắc TeKaMoLo không?
Rất mong nhận được sự giúp đỡ của Đạt. Mình cảm ơn bạn rất nhiều.
Hi bạn,
Câu A có trạng từ chỉ nơi chốn “in Frankfurt” cần được xếp sau trạng từ chỉ cách thức “ohne ihren Bruder” vậy phương án A1 sẽ được chọn bạn nhé.
Câu B có tân ngữ trực tiếp “die Steine” và trạng từ chỉ cách thức “durch das Wasser”. Như trong bài mình có nói, tân ngữ trực tiếp có thể đứng ở bất kỳ đâu so với cụm Tekamolo nên cả 2 câu B1 và B2 đều đúng ngữ pháp. Chỉ có sự khác biệt ở cái cần nhấn mạnh:
– Ich sehe durch das Wasser die Steine (nhấn mạnh vào ‘die Steine’).
– Ich sehe die Steine durch das Wasser (nhấn mạnh vào ‘durch das Wasser’).
Anh Đạt ơi cho e hỏi nghĩa của các từ davor, dabei, dafür, darauf… dịch như thế nào và cách dùng của nó với ạ
Em đọc bài này nhé: https://dattrandeutsch.com/ngu-phap/verben-mit-prapositionalobjekt-dong-tu-di-kem-gioi-tu-a2/
Ngoài ra, cụm từ Da- còn có một số cách dùng khác được anh đề cập chi tiết hơn trong chương 28 của cuốn sách “Ngữ pháp tiếng Đức theo cách dễ hiểu”. Nếu chưa có sách em có thể tham khảo link sau: https://dattrandeutsch.com/sach-ngu-phap-tieng-duc/
Vâng. E cảm ơn anh ạ 🙂
Khi viết một câu mình rất phân vân. Đọc được bài viết hướng dẫn của bạn giống như được tiếp thêm động lực và cảm thấy học tiếng Đức dễ dàng hơn. Vielen Dank!!!
Chúc bạn thật nhiều sức khoẻ
Cảm ơn bạn, rất vui vì bài viết giúp ích cho bạn ^^
Tân ngữ dativ ( chỉ người ) luôn đứng trước tân ngữ akk ạ . Hay là cứ tân ngữ dativ là đứng trước akk ạ
Cứ Dativ là đứng trước em nhé.
Cho em ví dụ tân ngữ dativ khác tân ngữ chỉ người đc ko ạ
Hallo!
Am nachmittag um 14 Uhr gehe ich wegen traurig mit meiner Freundin ins Kino. Câu này mình viết chuẩn ngữ pháp rồi phải không bạn ?
Trước giờ mình vẫn mông lung khi đặt câu lắm, vì mình ko chắc đã đặt đúng nơi chưa, nhờ bài viết này của bạn mà mình cảm thấy hiểu hơn rồi. Vielen dank!