Du học Đức: Hành trình hoàn thành một luận văn trong Đại học

Trong hành trình du học Đức, bước cuối cùng của cuộc đời sinh viên chính là bài luận tốt nghiệp ^^ Nhưng cửa ải này có dễ dàng để vượt qua? Nếu không tính những sinh viên đã đăng ký đề tài nhưng không làm, chỉ tính những sinh viên có làm và nộp bài luận tốt nghiệp thì sự thật là:

Có đến 4% số sinh viên ở Đức bị đánh trượt bài tốt nghiệp (Nguồn: Mystipendium)

Đây mới chỉ là tỉ lệ trung bình. Ở những ngành kỹ thuật như Chemietechnik, Energietechnik, Werkstoffwissenschaften và Mechatronik thì tỉ lệ này lên đến 10%! Một tỷ lệ khủng khiếp, mình không biết có phải là nhất thế giới không nhưng chắc chắn nó cao hơn Anh, Mỹ và hơn đứt tỉ lệ trượt tốt nghiệp ở Việt Nam – nơi 99,9% sinh viên một khi đã làm bài tốt nghiệp là đỗ.

Vậy liệu có phải sự nghiêm khắc và công minh trong việc chấm thi tốt nghiệp ở Đức đã tạo nên tỷ lệ này? Có thể! Kèm theo đó là một số nguyên nhân chủ quan xuất phát từ chính bài luận văn của bạn:

  • Plagiat – Đạo văn: Lỗi lầm hàng đầu của những bài luận bị đánh trượt. Có thể bạn không chủ đích đạo văn, nhưng chỉ cần một lỗi như vô ý sử dụng tài liệu và quên dẫn nguồn cũng có thể dẫn đến hậu quả.
  • Der fehlende rote Faden: Thiếu sợi chỉ đỏ xuyên suốt nhất quán bài luận. Lỗi này xảy ra khi bạn vẫn còn lơ mơ và mông lung về đề tài của chính mình. Bạn không biết thực sự bạn muốn làm cái gì trong bài luận này, vấn đề của bạn là gì, bạn giải quyết nó như thế nào?
  • Die generelle Qualität der Arbeit: Chất lượng chung của bài luận. Có thể là vấn đề về ngôn ngữ – quá nhiều lỗi chính tả và ngữ pháp, về nội dung của bài luận – quá sơ sài, về hình thức của bài luận – quá cẩu thả.

Do đó mình muốn viết bài này, thứ nhất là để giúp những bạn sắp thực hiện bài luận tốt nghiệp trong tương lai có thể tránh được những lỗi kể trên.Thứ hai cũng là để lưu lại những trải nghiệm của chính mình khi làm bài luận văn tốt nghiệp.

Đọc thêm:

Khóa học offline Ôn thi A1 theo cách hiệu quả tại Hà Nội kéo dài trong 3 tuần liên tục với 15 buổi nhằm xây dựng một sự chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi Start Deutsch 1 được tổ chức tại viện Goethe.

Ebook Ôn thi tiếng Đức B1 – Kỹ năng Viết dày 172 trang, cung cấp những lưu ý và gợi ý quan trọng khi làm bài thi Viết Goethe B1. Đi kèm là 20 đề mẫu kèm lời giải cụ thể.

Sách Ngữ pháp tiếng Đức theo cách dễ hiểu Version 2.0 dày 531 trang in màu 100%. Nội dung của sách bao gồm toàn bộ ngữ pháp tiếng Đức từ A1 đến C1 được sắp xếp theo 45 chương từ dễ đến khó.

Sách 3000 từ vựng tiếng Đức thông dụng dày 400 trang in màu 100% cung cấp 3000 từ vựng quan trọng và phổ biến trong cuộc sống hàng ngày cũng như thường xuyên xuất hiện trong các giáo trình dạy và học tiếng Đức.

Sách Bài tập Ngữ pháp tiếng Đức theo cách dễ hiểu dày 312 trang in màu 100%. Cuốn sách giúp bạn luyện tập thành thạo các dạng bài tập ngữ pháp tiếng Đức từ trình độ A1 đến C1.

Sách Ôn thi tiếng Đức theo cách hiệu quả – A1 dày 400 trang in trên giấy couché. Sách giúp người học vượt qua kỳ thi A1 bằng những hướng dẫn về cách giải đề thi một cách tỉ mỉ cũng như giúp rèn luyện tư duy làm bài thi một cách hiệu quả nhất.

Điều kiện để nhận luận văn

Bạn không cần phải hoàn thành hết toàn bộ những tín chỉ trước khi nhận luận văn tốt nghiệp mà chỉ cần hoàn thành một số lượng cụ thể. Ví dụ như trường mình là chỉ cần đạt 120/180 tín chỉ là có thể bắt đầu xin nhận đề tài tốt nghiệp được rồi. Nhưng trong 120 tín chỉ đó phải có bao gồm những Modul cơ bản (như ngành của mình là 4 môn Toán màu da cam + 6 môn Tin màu xanh lá + 1 Projekt im Bachelor + 1 Seminar). Tức là bạn chỉ cần thiếu 1 môn trong 12 môn này thì dù có được 160 tín chỉ cũng không được nhận đề tài.

Nhưng mình khuyên chỉ nên nhận đề tài sau khi bạn đã gần hoàn tất chương trình học để có thể dành nhiều thời gian nhất có thể cho bài Abschlussarbeit, tức là vào kỳ 6. Tiếp theo sẽ là 5 bước để bắt đầu hành trình làm luận văn tốt nghiệp.

5 bước để làm một bài luận văn

Bước 1. Tìm người hướng dẫn (Betreuer)

Phương án 1: Làm luận văn tại trường

Bạn có thể tìm một giáo sư ưa thích trong khoa, chỉ cần viết một email ngắn gọn giới thiệu về bản thân và hỏi xem liệu giáo sư có sẵn một đề tài thích hợp cho bạn không. Trong trường hợp bạn không có sẵn một giáo sư ưa thích nào trong đầu thì có thể viết mail cho Studienfachberatung của mỗi ngành (thường cũng là một giáo sư trong ngành), họ sẽ tư vấn cho bạn.

Đây là Studienfachberatung của mình và cũng chính là giáo sư đã hướng dẫn mình. Sau khi bạn đã chọn được giáo sư thích hợp, có 2 trường hợp sẽ xảy ra ở đây.

  1. Chính giáo sư sẽ là người hướng dẫn trực tiếp bạn (hàng ngày, hàng tuần).
  2. Giáo sư sẽ chỉ định một wissenschaftlicher Mitarbeiter để trực tiếp hướng dẫn bạn. Còn giáo sư sẽ chỉ gặp bạn một lần mỗi tháng để kiểm soát tiến độ. Mình thích trường hợp thứ 2 này hơn, vì các wissenschaftliche Mitarbeiter hầu hết đều còn trẻ, nhiệt tình và có nhiều thời gian để giúp đỡ mình hơn các giáo sư vốn rất bận bịu với các Vorlesung, Klausur, Projekt khác. Đây là wissenschaftlicher Mitarbeiter đã hướng dẫn trực tiếp mình, vô cùng nett, mình đã trao đổi phải cỡ hơn 200 Emails qua lại trong suốt 3 tháng với bạn này và luôn được giải đáp tận tâm.

Phương án 2: Làm luận văn tại công ty (im Unternehmen)

Với phương án này bạn cần phải để ý về thời gian vì các Angebot từ các công ty không phải lúc nào cũng có sẵn và luôn giới hạn. Nên bạn cần lưu ý các link cung cấp Angebot liên quan đến Abschlussarbeit mà trường giới thiệu hay chịu khó cập nhật tin tức ở các bảng tin dán trong trường. Phương án này có ưu điểm là luận văn của bạn sẽ được đánh giá cao vì tính thực tiễn của nó và bạn cũng có lương trong thời gian làm luận văn tại công ty.

Bước 2. Chọn đề tài

Từ phần này mình sẽ nói về phương án làm luận văn trong trường vì đây là trải nghiệm thực tế của mình.

Trước hết, bạn cần một buổi thảo luận với giáo sư hướng dẫn để tìm ra một đề tài thích hợp dựa trên những điểm mạnh và điểm yếu của bạn. Thích hợp ở đây còn có nghĩa nó phải đủ độ phức tạp cho một luận văn tốt nghiệp. Thứ 2, đề tài này phải có một sự cải tiến nhất định so với những nghiên cứu khoa học đã có sẵn. Ví dụ đề tài “Cách chế tạo xe đạp” sẽ không phù hợp vì nó không có gì mới lạ, nhưng đề tài “Cách chế tạo xe đạp để tối ưu hóa vận tốc lên gấp hai” sẽ được chấp nhận.

Đề tài càng cụ thể, càng chi tiết càng tốt, tránh những đề tài chung chung, quá rộng lớn.

  • Đề tài tốt: Erfolgsfaktoren im Social Media Marketing beim Unternehmen XY.
  • Đề tài quá chung chung: Erfolgsfaktoren im Marketing deutscher Unternehmen.

Nhân tiện, đề tài của mình làm là „Social-Force-Modell zur Steuerung von Fahrzeugen in Grid-Umgebungen – Mô hình các lực xã hội để điều khiển xe trong môi trường lưới“, bạn có thể tải bài tốt nghiệp của mình về ở cuối bài viết.

Bước 3. Viết Exposé

Bây giờ bạn đã có người hướng dẫn và đã biết đề tài cần làm là gì. Thời gian đã bắt đầu tính, bạn có 3 tháng cho việc hoàn tất Bachelorarbeit và khoảng 4-6 tháng cho Masterarbeit. Betreuer của mình nói mỗi ngày bạn cần dành ra ít nhất 8 tiếng làm việc nếu không muốn nhận hậu quả nghiêm trọng 😛

Công việc đầu tiên cần làm gấp rút đó là đi tìm các nguồn tài liệu thích hợp (thư viện, scholar.google.com, link.springer.com) và đọc chúng để hình dung một cách tổng quát về cấu trúc bài Arbeit của bạn.

Sau đó, bạn cần phải viết một bài Exposé để nộp người hướng dẫn. Exposé là gì? Exposé là một bài tóm lược ngắn khoảng 3-10 trang bao gồm các phần sau đây:

  1. Abstract (Tóm tắt nhanh về đề tài của bạn)
  2. Hintergrund (Những kiến thức cần thiết nào phải biết để hiểu đề tài của bạn)
  3. State of the Art (Những công trình khoa học liên quan đến đề tài của bạn)
  4. Ziel (Mục tiêu của luận văn)
  5. Vorgehen mit Zeitplan (Kế hoạch thời gian cụ thể cho từng bước)

Bạn không cần phải trình bày quá chi tiết trong bản Exposé này, chủ yếu là phác thảo ra khung sườn của bài Arbeit. Sau đó bạn sẽ có một Termin với giáo sư để thảo luận về tính khả thi của đề tài cũng như nhận một số Feedback từ giáo sư. Sau khi qua được bước này, bạn mới có thể chính thức bắt tay vào làm Abschlussarbeit.

Bạn có thể tải về bài Exposé của mình ở cuối bài.

Bước 4. Viết Abschlussarbeit

Tùy theo quy định mỗi trường. Đối với trường mình, độ dài của một bài Bachelorarbeit sẽ vào khoảng 30-60 trang, còn độ dài của một bài Masterarbeit sẽ vào khoảng 60-120 trang. Nếu bạn viết ít hơn hay nhiều hơn số lượng này đều sẽ bị trừ điểm.

Cấu trúc bài Abschlussarbeit cũng khá tương đồng với bài Exposé bạn đã làm, nhưng tất nhiên sẽ chi tiết và cụ thể hơn nhiều và tuân theo thứ tự sau đây:

1. Deckblatt (Tờ bìa)

Gồm có tên trường, tên đề tài, tên các giáo sư hướng dẫn, tên bạn, mã số sinh viên, ngành học …

2. Ehrenwörtliche Erklärung (Lời cam kết)

Đại loại là cam kết tự mình làm bài luận văn và có trích dẫn các nguồn đã sử dụng đầy đủ.

3. Abstrakt (Tóm tắt luận văn)

Tổng kết những khía cạnh quan trọng của luận văn bạn ở đây. Sao cho người đọc chỉ cần đọc Abstrakt là có thể hiểu được đề tài của bạn nói về cái gì và Abstrakt nên tạo ra được một sự thu hút, hấp dẫn người đọc tiếp tục đọc toàn bộ bài luận văn.

4. Danksagung (Lời cảm ơn)

Cảm ơn trước hết những người đã hướng dẫn bạn. Sau đó cảm ơn đến bạn bè và gia đình.

5. Inhaltsverzeichnis (Mục lục chung), Abbildungsverzeichnis (Mục lục cho các hình ảnh), Tabellenverzeichnis (Mục lục cho các bảng biểu)

Bạn nên sử dụng chức năng tạo mục lục tự động của Word, vừa nhanh vừa đẹp, cách tạo mục lục bạn có thể dễ dàng google.

6. Einleitung (Dẫn nhập)

Đây là phần cực kỳ quan trọng của luận văn. Điểm bạn có cao hay không phụ thuộc rất nhiều vào phần Einleitung này. Nếu bạn dẫn nhập không tốt, tức là bạn hiểu chưa sâu, chưa đủ về chính những gì bạn đang làm. Bạn phải tạo ra một sợi chỉ đỏ thống nhất xuyên suốt luận văn về những gì bạn muốn làm. Người đọc chỉ cần đọc Einleitung là hiểu ngay bạn muốn làm gì, tránh tình trạng mông lung.

Đầu tiên bạn phải viết về Motivation, những lý do tại sao bạn lại chọn đề tài này mà không phải là đề tài nào khác. Càng hấp dẫn, càng thực tiễn, càng cụ thể càng tốt.

Ví dụ như 2 động lực chính của đề tài „Mô hình các lực xã hội để điều khiển xe trong môi trường lưới“ của mình đó là: Thứ nhất, lý do về tính thực tiễn -> Tình trạng kẹt xe tại nước Đức khá tệ (mỗi người Đức phải tốn 58 giờ đồng hồ hàng năm chỉ để hít bụi trong những đám kẹt xe, để lại nhiều hậu quả về sức khỏe và Stress) và đề tài mình nghiên cứu sẽ góp phần giảm nạn tắc đường này. Thứ hai, lý do về tính cụ thể -> Trong một Projekt trước đó mình cũng làm về giao thông, nhưng Projekt đó mình cảm thấy vẫn chưa hài lòng -> Do đó mình muốn tiếp tục đào sâu hơn về mảng này trong luận văn tốt nghiệp.

Tiếp theo, bạn cần phải nêu ra Problemstellung und Lösungsansatz – tức là khi bạn bắt tay vào làm đề tài này thì bạn sẽ gặp phải những vấn đề, những công việc nào cần phải giải quyết. Bạn liệt kê hết những vấn đề đó ra và cả những giải pháp cụ thể để giải quyết chúng.

Cuối cùng là phần Gliederung der Arbeit. Bạn sẽ tóm lược ngắn về nội dung của từng chương cho người đọc chỉ với một câu cho mỗi chương.

7. Grundlagen – Nền tảng

Nêu ra tất cả những khái niệm, định nghĩa, công thức … mà người đọc cần phải có để hiểu được bài luận văn của bạn. Phần này bạn có thể tưởng tượng bạn đang giảng lại cho người đọc những kiến thức đó một cách ngắn gọn và dễ hiểu nhất có thể.

8. Verwandte Arbeiten – Những công trình liên quan

Trong phần này, bạn phải tìm tất cả những công trình khoa học liên quan đến đề tài của bạn và đã được xuất bản. Đó có thể là sách, là những bài báo trên các tạp chí khoa học hay những luận văn khác. Với mỗi công trình bạn cần miêu tả ngắn gọn lại nội dung của công trình đó và đặc biệt quan trọng là bạn cần chỉ ra sự hạn chế của công trình đó. Điều này chính là những Forschungslücke (lỗ hổng trong nghiên cứu) mà đề tài của bạn có thể giải quyết, có thể khắc phục, có thể nâng cấp được.

Cuối chương này bạn sẽ có một phần gọi là Diskussion über Forschungslücken, trong đó bạn tổng hợp lại một lần nữa những điểm hạn chế của các công trình liên quan và đưa ra những lý do cụ thể để nâng đề tài của bạn lên.

9. Modell – Mô hình / Công trình của bạn

Trong phần này, bạn trình bày thật chi tiết và cụ thể về cấu trúc mô hình / công trình của bạn. Phần này sẽ chiếm khoảng 30-50% độ dài của bài luận văn.

10. Evaluierung – Đánh giá

Trên lý thuyết, bạn thiết kế ra mô hình / công trình đó nhưng nó có hoạt động chính xác trong mọi hoàn cảnh hay không thì không ai biết được. Nên chúng ta phải cần có phần Evaluierung – đánh giá.

Có nhiều cách đánh giá: Với những ngành kỹ thuật / công nghệ thông tin thì cách phổ biến và tốt nhất chính là Code Implementierung, bạn lập trình mô phỏng lại mô hình và theo dõi trực quan, ghi lại số liệu và đánh giá xem mô hình hoạt động có chính xác không.

Một phương pháp đánh giá khác bằng lý thuyết đó là xét một lượng ví dụ đủ lớn để bao phủ toàn bộ những trường hợp (Szenarien) có thể xảy ra, và kiểm tra xem những ví dụ đó có cho ra kết quả đúng như mong đợi hay không. Luận văn của mình dùng cách này vì mình code nửa chừng thì gặp trục trặc không đủ thời gian để hoàn thành nên phải dùng phương pháp thứ 2, tất nhiên sẽ không được đánh giá cao bằng phương pháp 1.

11. Fazit & Ausblick – Kết luận và tầm nhìn

Trong phần Fazit này, bạn nhắc lại về mục tiêu của luận văn, về những vấn đề, về giải pháp, về kết quả đạt được nhưng không copy-paste từ những phần trước.

Luận văn của bạn còn những khuyết điểm gì? Bạn muốn cải thiện nó hay thêm những mảng nghiên cứu nào khác cho luận văn của bạn trong tương lai? Đó chính là nội dung của phần Ausblick.

12. Literaturreferenzen – Tài liệu tham khảo

Liệt kê toàn bộ nguồn của những tài liệu mà bạn đã sử dụng trong luận văn.

Bước 5. Kolloquium – Bảo vệ tốt nghiệp

Thực ra bước này rất dễ dàng. Bạn chỉ cần làm một bài Powerpoint dựa trên bài luận văn của bạn, vì đây là kiến thức của bạn nên việc này hoàn toàn đơn giản. Tóm lược lại tất cả các chương và trình bày cho 2 giáo sư + một vài khán giả, người bạn ở dưới nghe (Một buổi bảo vệ tốt nghiệp thường chỉ diễn ra trong một căn phòng nhỏ và có rất ít người đến tham dự, nên bạn không sợ căng thẳng nhé).

Một vấn đề khác ở đây là thời lượng thuyết trình chỉ khoảng 20 phút cho Bachelor và 30 phút cho Master nên số lượng Folien bạn cũng chỉ nên làm tương ứng là 20 Folien cho Bachelor và 30 Folien cho Master thôi nhé. Mỗi Folie nói trong 1 phút là vừa đẹp. Trên thực tế, mình đã làm khoảng 40 Folien và thuyết trình thử với Betreuer của mình, kết quả là không đủ thời gian để nói hết và bị Betreuer ngừng giữa chừng. Trong buổi bảo vệ thật, mình rút xuống còn 18 Folien và nói trong đúng 20 phút và nhận được những Feedback rất tích cực. Hãy luôn nhớ, không có khán giả nào thích nghe bạn nói dài đâu. Càng ngắn gọn, càng súc tích, càng tốt.

Sau khi bạn thuyết trình sẽ đến phần Diskussion. Hai giáo sư sẽ có thể hỏi bạn về một số vấn đề mà họ chưa hiểu rõ lắm trong bài thuyết trình của bạn. Bạn có thể giải thích bằng cách nói cũng như cả bằng cách viết lên bảng cho thêm phần trực quan.

Tiếp đó, họ sẽ hỏi bạn về một số hướng phát triển tiềm năng trong tương lai của luận văn của bạn (chính là phần Ausblick). Tốt nhất, bạn nên tự suy nghĩ các câu hỏi có thể xảy ra trong phần này và tự chuẩn bị trước câu trả lời ở nhà.

Một số câu hỏi có thể xảy ra là:

  • Können Sie den Begriff X näher erläutern?
  • Im Gutachten zu Ihrer schriftlichen Arbeit wurde X bemängelt. Was erwidern Sie auf diese Kritik?
  • Welchen Standpunkt nehmen Sie in Bezug auf die Theorie von X ein?
  • Inwieweit lässt sich das Ergebnis X Ihrer Arbeit verallgemeinern?

Hãy nhớ, đây là một cuộc bảo vệ thực sự, bảo vệ „đứa con tinh thần“ của bạn là bài luận văn. Bạn luôn phải có sự tự tin để luôn phản bác lại những Kritik (chỉ trích, phê bình) nếu có của khán giả. Bạn cần chứng minh và bảo vệ được tính đúng đắn của luận văn của bạn, đó cũng chính là ý nghĩa thực sự của buổi bảo vệ tốt nghiệp.

Một số thông tin và Tipps khác

I. Về điểm cho bài luận văn sẽ tổng hợp từ hai loại điểm:

  • Điểm nội dung: Hai giáo sư sẽ chấm độc lập và điểm chung cuộc của bạn sẽ là điểm trung bình từ điểm của 2 giáo sư.
  • Điểm hình thức: Bạn cần lưu ý đóng bìa cho luận văn. Có nhiều loại bìa bạn có thể chọn như bìa mềm, gáy xoắn ốc hay bìa cứng. Nhưng để yên tâm nhất thì bạn nên chọn bìa cứng, bạn có thể xem về dịch vụ này ở đây (trường nào cũng có): https://www.asta.tu-clausthal.de/service/bindearbeiten/

II. Ngoài ra, bạn nên chọn giấy tốt và in màu để tăng điểm hình thức. Cần làm tổng cộng 3 quyển, một quyển lưu văn phòng và 2 quyển cho 2 giáo sư hướng dẫn. Cuối cùng bạn cần ghi file pdf của luận văn lên một đĩa CD trắng để nộp kèm. Có trường chấp nhận cho nộp USB, trường mình thì không nên bạn cần để ý xem laptop của bạn có ổ ghi đĩa không nhé.

III. Mặc gì hôm bảo vệ? Theo kinh nghiệm của mình thì không khí buổi bảo vệ rất nhẹ nhàng và thoải mái, các giáo sư hướng dẫn của mình cũng ăn mặc rất tự nhiên (sơ-mi, quần bò …), Betreuer của mình thì còn chơi cả áo phông 🙂 nên bạn không cần quá băn khoăn về việc phải mặc thế nào. Tất nhiên bạn có thể mặc vest, thắt cravat nếu bạn thoải mái trong bộ trang phục đó. Nhưng nếu bạn không quen thì vẫn có thể mặc lịch sự ví dụ như một chiếc áo len mỏng và quần bò tối màu.

IV. Bài luận nên chỉnh theo những yêu cầu tiêu chuẩn như: Font Times New Roman, cỡ chữ 12, Blocksatz (tức là các dòng sẽ đều nhau về độ dài), Silbentrennung (tức là nếu có dòng nào lệch về độ dài thì chữ sẽ tự động được cắt ra cho phù hợp), khoảng cách giữa các dòng là 1,5.

V. Nếu cần vẽ biểu đồ có thể sử dụng https://www.desmos.comChất lượng biểu đồ rất đẹp và rõ ràng, có thể xuất file png hay pdf tùy ý.

VI. Nhớ tập thuyết trình nhiều lần có bấm giờ trước buổi bảo vệ để quản lý thời gian cho chuẩn.

VII. Kiểm tra lại giờ mở cửa của Prüfungsamt vì Prüfungsamt không phải luôn mở cửa cả tuần nên bạn cần chắc chắn hôm bạn đi nộp Abschlussarbeit không phải là ngày mà Prüfungsamt đóng cửa, và nếu đó là hôm deadline thì … 😛

Cuối cùng, bạn có thể tải về bài Bachelorarbeit cũng như bài Präsentation của mình tại đây nhé:

Khóa học offline Ôn thi A1 theo cách hiệu quả tại Hà Nội kéo dài trong 3 tuần liên tục với 15 buổi nhằm xây dựng một sự chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi Start Deutsch 1 được tổ chức tại viện Goethe.

Ebook Ôn thi tiếng Đức B1 – Kỹ năng Viết dày 172 trang, cung cấp những lưu ý và gợi ý quan trọng khi làm bài thi Viết Goethe B1. Đi kèm là 20 đề mẫu kèm lời giải cụ thể.

Sách Ngữ pháp tiếng Đức theo cách dễ hiểu Version 2.0 dày 531 trang in màu 100%. Nội dung của sách bao gồm toàn bộ ngữ pháp tiếng Đức từ A1 đến C1 được sắp xếp theo 45 chương từ dễ đến khó.

Sách 3000 từ vựng tiếng Đức thông dụng dày 400 trang in màu 100% cung cấp 3000 từ vựng quan trọng và phổ biến trong cuộc sống hàng ngày cũng như thường xuyên xuất hiện trong các giáo trình dạy và học tiếng Đức.

Sách Bài tập Ngữ pháp tiếng Đức theo cách dễ hiểu dày 312 trang in màu 100%. Cuốn sách giúp bạn luyện tập thành thạo các dạng bài tập ngữ pháp tiếng Đức từ trình độ A1 đến C1.

Sách Ôn thi tiếng Đức theo cách hiệu quả – A1 dày 400 trang in trên giấy couché. Sách giúp người học vượt qua kỳ thi A1 bằng những hướng dẫn về cách giải đề thi một cách tỉ mỉ cũng như giúp rèn luyện tư duy làm bài thi một cách hiệu quả nhất.

Tác giả

Các bình luận

Bình luận của bạn